Hotline: 0946174888 - 0904120913

Vùng trà Thượng Sơn – Trà Bà Vân

  • by John Doe

Trà Bà Vân có đến 4 loại trà nằm trong Bộ sưu tập Đặc sản trà Việt, từ vùng trà nguyên liệu Thượng Sơn – Vị Xuyên – Hà Giang gồm Linh Vân 3 (bạch trà), Bạch Vân 3 (trà xanh), Thanh Vân 1 (trà xanh), Phổ nhĩ sống, nên với mình đây luôn là vùng đất mong muốn được đặt chân, để tìm hiểu về cây trà, đặc điểm thổ nhưỡng, cũng như con người của vùng đất này. Điều gì đã làm nên sự đặc biệt của trà ở đây so với những vùng trà khác mà chúng mình lựa chọn.

Chuyến hành trình đến với Thượng Sơn là chuyến hành trình, có thể mô tả với một câu ngắn gọn là THÁCH THỨC, trong hành trình đi thăm trà trên dãy Tây Côn Lĩnh đợt vừa rồi của mình cùng team trà Bà Vân.

Hơn 7h sáng, sau khi ăn sáng no nê, đổ đầy 2 bình xăng cho 2 xe, 3 anh em xuất phát từ thành phố Hà Giang, xuôi theo đường quốc lộ về huyện Vị Xuyên. Dù đã được nghe “cảnh báo” về đường đi khó khăn của các anh em từ buổi ngồi nói chuyện hôm trước, nhưng mình đã không thể hình dung hết độ khó của cung đường ấy. Một phần ba quãng đường đẹp, mình vẫn rất nhở nhơ, nhưng khi bắt đầu chạm vào chân núi, bắt đầu đi lên, những con đường nhựa thủng lỗ chỗ, chỉ còn phần rất nhỏ vẫn còn đi được, còn lại đã lở hết cả, đá to lởm chởm khó đi, rất nhiều đoạn sạt lở và nguy cơ sạt lở, đi xong cung đường ấy tay của 2 lái xe chắc cũng lên cơ vì vừa phải giữ tay lái, vừa phải ghì phanh, mà vẫn phải vặn ga đều, còn không kể những đoạn lên cao, xuống thấp, vòng tay lái bám núi. Sau nhiều giờ đi, team cũng tới được với trung tâm xã Thượng Sơn.

Khác với những địa điểm mình đã qua trên hành trình trà vừa rồi, chợ ở đây khá thưa thớt người, nhà dân cũng không tập trung, mà rải rác thành các chòm nhỏ, bám quanh con suối chảy qua thung lũng. Một vài thương hiệu trà mình biết có xưởng tại đây, chứng tỏ Thượng Sơn là một vùng trà đặc biệt, rất tiềm năng. Ven hai bên đường, chủ yếu là các nhà làm trà, với quy mô từ nhỏ tới lớn. Trà ở đây, mùa này, chủ yếu được làm trà khói, phơi trà vàng theo các đơn đặt hàng từ Trung Quốc, ngoài ra một số xưởng sẽ làm các loại trà khác như trà xanh, hồng trà,… theo đơn đặt hàng của Việt Nam. Vì mùa trà trùng với mùa nước đổ, bà con đi cấy nên ít người hái trà, dẫu xưởng có muốn làm thì nguyên liệu về cũng chỉ túc tắc.

So với các vùng trà mình đã được ghé thăm, dù giao thông ở đây khó khăn, nhưng các anh em làm trà hỗ trợ và dẫn team chuyến này đều là những người chuyên nghiệp, làm việc trung thực có trách nhiệm với nghề, họ cầu tiến và rõ ràng, nhà xưởng gọn gàng, sạch sẽ, trà làm đến đâu, gọn đến đấy, đảm bảo cả khâu vệ sinh và thẩm mỹ, kho trữ trà có giá kệ, phân loại cẩn thận. Mình khá thích thú khi phát hiện cuốn sách Chuyện Trà của anh Trần Quang Đức ở kho xưởng của anh hướng dẫn bọn mình hôm đó, ngoài việc làm trà, các anh rất chịu khó tìm hiểu về văn hóa trà, đặc biệt trà cụ cũng được đầu tư đủ bộ, tuy không như trà thất chuyên nghiệp, nhưng cũng đủ để hỗ trợ người uống cảm rõ hương vị trà.

Về tiêu chuẩn nguyên liệu, khi được hỏi sâu, anh trả lời cùng là trà shan tuyết, ngoài việc phân loại từ cách hái, trà sẽ được chia ra thành trà mới trồng ít năm và trà cổ thụ, giá nguyên liệu khác nhau, làm ra các loại khác nhau. Các loại trà cao cấp hơn yêu cầu nội chất mạnh mẽ, lớp hương sâu dày thì chỉ trà cổ thụ mới đáp ứng được, trà mới trồng thì nội chất kém hơn, nên dù người làm kỹ thuật tốt đến mấy thì nước trà cũng sẽ không bền lâu, hương vị không được sâu dày bằng. Xưởng phân biệt rất rõ thành phẩm, loại nào là trà cổ thụ, loại nào là trà mới, giá bao nhiêu, không lập lờ đánh lận con đen. Vậy mới nói, thị trường trà cũng đa dạng phong phú, người mua có thể nhầm, nhưng người làm và người bán không nhầm, tất nhiên, để đạt được tới độ này thì cũng phải trả nhiều học phí bằng cả mồ hôi, nước mắt, tiền bạc. Đặc biệt với những phẩm trà cao cấp, yêu cầu nhiều hơn, xưởng sẽ đặt hàng bà con hái và có người của xưởng lên tận vùng trà để hướng dẫn, đảm bảo hái đúng cây trà cổ thụ được đặt và yêu cầu hái về búp lá ra sao, rồi vận chuyển trà về trong ngày.

Trà ở Thượng Sơn có nhiều vùng, mà với thời gian ngắn ngủi, team không thể đi hết được toàn bộ, nên team chỉ tập trung vào các vùng mà đối tác của Trà Bà Vân có vùng nguyên liệu. Vì đi vào vụ hè, mùa mưa, nên sự phát triển của búp lá trà cũng khác so với mùa xuân. Cây trà sau vụ thu hái của mùa xuân được chặt bớt cành để thu hái tiếp cho vụ này, nên nhìn xa chỉ thấy những chỏm lá non, như thể mọc thành chùm, tua tủa đợi hái, búp to căng mọng. Tùy vào thời điểm hái, thời tiết mưa hay nắng mà nội chất của búp trà sẽ có sự khác biệt. Lên đến Thượng Sơn sau đợt mưa trước đó, nên ngoài đặc sản sạt lở ven đường, thì những búp trà nội chất cũng không được mạnh mẽ, như loại trà mùa xuân chúng tôi lựa chọn làm nguyên liệu cho các dòng trà của mình trước đó. Có thể những ngày nắng thì trà sẽ đậm hơn, thích hợp cho việc làm hồng trà và phổ sống hơn.

Cây trà ở đây cũng mọc theo các triền núi, không chịu dưới bóng cây to, một hệ sinh thái trà riêng biệt. Con người với quá trình di chuyển của mình, cũng đôi khi chọn làm nhà ở nơi có những gốc trà, để tiện cho sinh hoạt, cũng như thu hái, nhưng số này ít hơn. Hệ sinh thái quanh gốc có các cây thân thảo, dương sỉ, rêu nhiều, các rạch nước suối cũng chảy quanh, tuy không rậm rạp như rừng, nhưng cảm nhận rất rõ sự trù phú, đa dạng của chất dinh dưỡng mà trà được nhận từ đất trời. Cây trà ở đây khá cổ, vì gốc trà to, nhưng người dân khai thác nhiều nên tán, tầng không được phát triển mạnh, nếu khai thác nhiều quá, nguy cơ mất dần các cây trà này là điều tiên đoán được trong tương lai. Trao đổi với người anh làm trà đi cùng, anh cũng chia sẻ, bà con khai thác thường quan tâm làm sao để thu được trà nhiều nhất, khi xưởng phát triển cũng có hướng dẫn cách khai thác bền vững, vừa đảm bảo kinh tế, vừa bảo vệ cây, nhưng để làm được điều này, sẽ phải chấp nhận giảm số lượng nhưng tăng giá thành nguyên liệu trả cho bà con. Bài toán khó chia đều cho các bên, nếu trà bán trong nước tốt, giá thành đảm bảo thì sẽ không phải làm trà rẻ xuất Trung, người trong nước được biết đến và uống trà ngon, các bên cùng có lợi, cây trà cũng được quan tâm và bảo vệ.

Có lẽ, Thượng Sơn là tiểu vùng có nhiều loại trà nhất của trà Bà Vân, khi có tới bốn loại trà được đặt tên và mang đi giới thiệu với bạn trà trong và ngoài nước. Vẫn là tôn chỉ hoạt động bấy lâu, nguyên liệu đặc trưng, nội chất mạnh mẽ và người làm trà yêu nghề, yêu trà để phát triển các dòng sản phẩm của mình. Có thể còn nhiều loại trà mới sẽ được giới thiệu trong tương lai, nhưng trà Bà Vân luôn tự hào và đảm bảo về các loại trà mình lựa chọn trong bộ sưu tập Đặc Sản Trà Việt của mình hiện tại. Trà luôn được kiểm soát về chất lượng cũng như đến từ các nhà làm trà tận tâm, uy tín với tình yêu trà của họ, hy vọng sẽ lan tỏa và được sự đón nhận nhiều hơn nữa của những người yêu trà.

0 Bình luận

Viết bình luận

Tin mới

Subscribe <span> weekly newsletter </span>

Đăng ký Nhận khuyến mại