- by John Doe
- 05/10/2023
- 68
- 0
Công ty trà Lin Hua Tai là thương hiệu trà lâu đời nhất tại Đài Bắc, đến nay họ đã bán trà được 131 năm. Điều đặc biệt là, họ chưa bao giờ thay đổi cách thức làm việc với đối tác và khách hàng.
Ông Lin Mao-sen năm nay sáu mươi tư tuổi, ông là người chủ kế nghiệp đời thứ tư, đã mô tả công việc kinh doanh của ông như là “một việc kinh doanh rất truyền thống”. Vẫn như ngày xưa, tiệm trà kinh doanh theo quy trình quen thuộc từ việc mua trà, sao, phân loại và bán trà. Ông chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ áp dụng các chiến lược tiếp thị mới trước sự cạnh tranh gay gắt từ các loại nước trà đóng chai và sự thay đổi trong thói quen uống của thế hệ trẻ, một phần vì doanh số bán hàng của ông hầu như không bị ảnh hưởng bởi những xu hướng này.
Năm 1879, cụ cố của ông Lin, cụ cũng là một nông dân trồng chè, đã bắt đầu công việc kinh doanh của gia đình từ việc chế biến và bán trà ở Đài Bắc. Không lâu sau đó, tiệm trà đã được chuyển đến địa điểm hiện tại ở khu Dadaocheng thuộc thành phố Đài Bắc ngày nay. Thời kỳ đó, Dadaocheng là thương cảng sầm uất bậc nhất tại Đài Loan. Ngày nay, khu phố cổ Dadaocheng được biết đến là một “khu vực đô thị lịch sử đặc biệt”, là điểm thu hút rất đông khách du lịch khi đến Đài Bắc.
Trà được thu mua từ nông dân đã qua chế biến và có thể pha uống ngay, nhưng để mang đến một hương vị sâu và tinh tế hơn cho các loại trà trong tiệm trà, gia đình ông đã thêm một công đoạn sao bổ sung. Ông chia sẻ: “Công đoạn này sẽ tiếp tục loại bỏ độ ẩm trong lá trà để giữ cho chúng được tươi lâu và đảm bảo chất lượng trà ổn định hơn”.
Khi ông Lin còn là một đứa trẻ, trà được sao trên những khay tre lớn bằng than củi trong hai tuần liên tục. Về sau, ông thường phải thuê tới mười nhân công trong mùa bận rộn nhất của tiệm trà và những người này sẽ phụ trách quá trình sao sấy, khoảng hai tiếng một lần vào buổi đêm phải thức để đảo đều lá trà trên các khay, tránh tình trạng bị sấy quá ở một vị trí.
Ngày nay, khi mà máy móc đã thay thế con người; ông Lin nói chỉ cần hai người để vận hành một máy rang sấy trà lớn, và cần một vài người dùng tay tản những lá trà nóng ra sàn để làm nguội trước khi được phân loại đóng gói.
Tiệm trà rộng 660 mét vuông của ông vẫn giữ được các gian nhà cổ và khung cửa sổ bằng gỗ. Tiệm trà rộng rãi chứa được 50 thùng thiếc lớn, trong các thùng này chứa hàng chục loại trà thuộc các nhóm khác nhau, bao gồm cả loại trà Thiết Quan Âm nổi tiếng, cho đến các loại ô long thông thường, hay Đông Phương Mỹ Nhân, một loại ô long đặc biệt của Đài Loan.
Trên mỗi thùng trà đều được viết tên gọi và giá bán bằng màu sơn đỏ, giá bán dao động từ 133 Đài tệ (khoảng 4.24 Usd) đến 6,667 Đài tệ một kg trà. Ông Lin muốn làm nổi bật các nhãn giá để khách hàng dễ nhìn thấy, tránh việc họ có cảm giác bị lừa khi mua trà mà không biết đánh giá chất lượng bằng cảm quan. “Giá bán chỉ được xác định bởi chất lượng”. ông Lin giải thích, nên nhớ rằng khách hàng phải luôn nhận được giá trị tương xứng với số tiền họ đã bỏ ra và không có sự khác biệt nhiều giữa giá bán buôn và bán lẻ tại tiệm trà.
Cũng theo ông Lin, các khách quen của tiệm trà đến từ nhiều nơi trên thế giới và khắp Đài Loan. Vì các mức giá đã được niêm yết rất dễ thấy, và phí hoa hồng dành cho các công ty du lịch là vô cùng nhỏ, nên có rất ít khách du lịch theo tour được dẫn tới đây.
Lin Mao- Seo giới thiệu các loại trà Thiết Quan Âm, đây cũng là loại trà đắt nhất trong tiệm trà của ông.
Ông Lin cho biết trong những năm qua, ông đã từ chối tất cả lời đề nghị từ các công ty du lịch sẽ dẫn khách đoàn đến tiệm trà để nhận được tiền phí hoa hồng. Ông không muốn tăng thêm phụ phí cho người tiêu dùng cuối cùng, và rủi ro có thể là mất uy tín kinh doanh khi mà giá bán trong tiệm trà bị thao túng.
Ông nói: “Mối quan hệ với khách hàng phải dựa trên uy tín tốt đẹp trước đó”. “Uy tín là thứ cần được vun đắp trong thời gian dài, nhưng một khi đã có, khách hàng sẽ tự quay lại.”
Ông Lin đã học được triết lý kinh doanh từ cha mình, người luôn coi tính trung thực là giá trị quan trọng nhất trong kinh doanh. Vào năm 1964, một trận lụt đã làm hỏng tất cả trà trong tiệm trà, ngay lập tức cha của ông đã quyết định bỏ đi toàn bộ hàng tồn trong kho, dẫu cho việc đó có gây ra tổn thất lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của họ.
Ông Lin nhớ lại “Có những thương nhân đã đề nghị mua hết số trà bị hỏng vì trận lụt đó của chúng tôi, nhưng cha tôi đã khước từ và hỏi lại họ rằng: ‘Bản thân các vị có muốn uống những loại trà như vậy không?’”. Cha ông cũng đã từ chối lời đề nghị của nhiều người khác về việc vận chuyển miễn phí toàn bộ số trà hỏng đó tới bãi rác. Cuối cùng, cha ông đã tự trả tiền thuê hơn 20 xe tải để chở số trà hỏng đó đi hủy, phòng ngừa có người sẽ lấy về bán lại.
Triết lý tương tự cũng được áp dụng cho mối quan hệ hợp tác làm ăn của gia đình ông Lin với những người nông dân trồng chè. Thay vì đưa chi phiếu hoặc giấy hẹn trả tiền cho nông dân, gia đình ông luôn thanh toán bằng tiền mặt, bất kể giao dịch lớn đến đâu. Ông Lin nói: “Chúng tôi không cho phép mình chậm thanh toán tiền cho những nông dân đã vất vả trồng chè.”
Khi mua trà từ nông dân, hầu hết các nhà buôn đều muốn lợi hơn chút bằng cách bớt đi các phần lẻ trong tổng khối lượng. Ngược lại, Lin Hua Tai luôn trả đủ tiền cho mỗi lượng trà dù là nhỏ nhất, gồm cả trọng lượng bao bì. Charles Lin, đại diện thế hệ kinh thứ năm của gia đình họ Lin, cho biết cách làm trên tăng thêm tiền không đáng kể nhưng nó làm cho nông dân trồng chè cảm thấy phấn khởi hơn.
Lin Mao-Sen nói rằng, tính trung thực và uy tín là những giá trị cốt lõi mà ông sẽ truyền lại cho ba người con của mình. Cha ông cũng từng nói với ông rằng đừng bao giờ nghĩ đến việc nghỉ hưu trong khi bản thân vẫn có thể làm việc. Lin đã lên kế hoạch cho việc vừa tiếp tục điều hành công việc, vừa dạy cho con nhiều điều hơn nữa trong kinh doanh.
Ngày nay, các tiệm trà thường bày bán nhiều sản phẩm trà với bao bì bắt mắt dễ dàng được khách hàng ưa thích. Nhưng ông Lin luôn tin tưởng vào triết lý và cách thức vận hành kinh doanh đơn giản của gia đình ông, theo thời gian cùng với phương thức truyền miệng, sẽ tiếp tục thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ.
- Publication Date: October 14, 2010
- Audrey Wang at audrey@mail.gio.gov.tw
- Trà bà Vân dịch từ: taiwantoday.tw
-
- Hotline: 0946174888
- Facebook: Trà Bà Vân – Đặc sản trà Việt
- Shopee: https://shopee.vn/bavan.vn