by admin admin
- 29/12/2024
- 152
- 0
Hơn chục năm tôi lang thang khu vực miền núi phía Bắc, cũng đủ để chứng kiến và tham gia những buổi tiệc đầy tháng đánh dấu sự kiện một đứa bé bắt đầu cuộc sống mới, những đám cưới đánh dấu những chàng trai cô gái đã đến tuổi trưởng thành và những đám ma đánh dấu một người đã hoàn thành nhiệm vụ để về với đất mẹ...

Mỗi nơi, mỗi dân tộc lại có những tập tục khác nhau, dù cùng để đánh dấu một sự kiện. Riêng cho đám ma, người Mông, người Tày, người Nùng, người Kinh... thì chôn. Người Mông để người chết trên một tấm phên, mặc áo vải lanh, làm lễ cúng bái trong vài ngày, thậm chí cả tuần và khi đưa tang thì cho xác chết vào một cái quan tài, sau đó con cháu thay nhau vừa khênh vừa chạy để đến chỗ chôn thật nhanh.

Người Tày thì khá giống người Kinh, cho xác chết vào quan tài, làm lễ cúng bái trong hai ngày rồi đưa lên núi chôn, nhưng họ làm một cái nhà gỗ cho người chết rồi đặt lên nấm mộ... Ở trên núi hầu hết đều không có tập tục cải táng, đều đào sâu chôn chặt, nghĩa là chôn một lần là xong. Người Kinh thì chôn sau 3 năm lại làm cải táng, đào mộ lên, thu nhặt xương cho vào một cái tiểu sành để chôn sang một chỗ khác rồi mới xây mộ...

Riêng người Dao thì lại hỏa thiêu. Khi một người chết, người Dao sẽ làm lễ rất nhanh trong một ngày rồi ngày hôm sau khênh xác lên núi thiêu. Các thầy cúng sẽ làm lễ, người thân quen đến thắp nhang tưởng nhớ, con cháu đứng xung quanh để trông nom và đáp lễ...

Hàng xóm láng giềng chung tay làm cỗ, phụ giúp công việc trong đám ma và góp củi để chuẩn bị hỏa táng. Họ chuẩn bị một khu đất phẳng trên núi, chất củi thành 12 tầng sẵn sàng để hỏa táng.

Làm lễ xong xuôi, các thanh niên được phân công khênh quan tài sẽ làm nhiệm vụ, con cháu tay cầm bát gạo, những mảnh giấy, que hương, họ sẽ đốt hương, thả những mảnh giấy dọc đường và mỗi khi đoàn người đưa tiễn dừng lại làm lễ thì sẽ vứt gạo lên quan tài. Những người thân quen đi thành hàng, cùng tiễn đưa người chết đến nơi hỏa táng ở trên núi sau làng.

Đến điểm hỏa táng, con cháu họ hàng sẽ đi một vòng quanh quan tài như để chào người quá cố rồi quay lại làng trước, thầy cúng và những người hàng xóm sẽ phụ trách việc hỏa táng cho đến khi lửa tàn. Sáng hôm sau họ sẽ thu gom những gì từ cơ thể người chết còn sót lại sau khi hỏa táng, như vài mẩu xương, răng... rồi cho vào một cái hũ, để ở một cái hang nhỏ được đào sẵn trước đó, họ thường xếp vài hòn đá xung quanh và che bằng một tàu lá cọ.


Thế là một người Dao đã về với đất mẹ.
Người Dao ở Hà Giang, sinh ra bên những gốc trà, lớn lên, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái... rồi chết đi, lại về bên những gốc trà. Hết thế hệ này tới thế hệ khác, cứ thế tiếp nối nhau. Một đời trà đã chứng kiến không biết bao nhiêu đời người...