Hotline: 0946174888 - 0904120913

Lịch sử của trà (Phần 1/2)

  • by admin admin

Ở Trung Quốc, trà được thưởng thức từ những chiếc chén nhỏ. Người Tây Tạng pha trà với muối và bơ bò Tây Tạng. Người Nhật khuấy trà bột trong các nghi lễ. Người Nga thêm chanh vào trà. Người Ma-rốc sử dụng bạc hà cùng trà. Người Mỹ thêm một chút siro ngô có hàm lượng fructose cao. Người Ailen và người Thổ Nhĩ Kỳ uống trà bằng cốc. Trong khi cách gọi trà là Chai Wallah phổ biến trên khắp Ấn Độ, ở đây họ pha trà cùng với sữa, đường và một số gia vị khác.

Trà là cống phẩm cho các Hoàng đế Trung Quốc, là thức uống cho các thiền sư và đã khiến Anh Quốc trở thành trùm ma túy khét tiếng Thế giới. Vậy lịch sử của trà như thế nào, trà đã thay đổi Thế giới của chúng ta ra sao? Chúng ta cùng đi tìm hiểu nhé.

Liệu có phải trà luôn được pha cùng nước nóng? Không đâu các bạn ạ, những người bản địa sinh sống tại vùng Assam, Ấn Độ và các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam của Trung Quốc trước kia họ dùng trà như là một loại rau, có thể ăn sống hoặc nấu canh.

Chúng ta biết đến trà từ khi nào? Chắc chắn là không ai trong chúng ta biết chính xác cả. Theo truyền thuyết phổ biến nhất từ trước tới giờ, thì trà được phát hiện khoảng năm 2500 trước Công Nguyên. Vị hoàng đế thần thoại của Trung Quốc là Thần Nông trong một lần vào rừng kiếm cây thuốc. Khi ông đang đun nước để uống thì một số lá cây lạ rơi vào trong ấm nước, sôi một lúc thì nước chuyển từ màu trắng sang vàng chanh. Uống thử, ông vô cùng ngạc nhiên bởi ông vừa uống một thức uống thơm ngon và tràn đầy năng lượng. Đó chính là lá trà. Sau đó, Thần Nông đã nghiên cứu rồi chỉ dạy người Trung Quốc cách trồng, chế biến và uống trà.

Thói quen uống trà có lẽ bắt nguồn từ khu vực Tứ Xuyên hay Vân Nam của Trung Quốc, nơi đây có các cây trà hoang dã phát triển. Nó lan rộng từ miền Nam Trung Quốc về phía Bắc với sự “hỗ trợ” của các nhà sư. Trà đã trở thành thức uống yêu thích của họ vì uống trà có thể giúp họ tỉnh táo trong suốt thời gian dài thực hành thiền định. Cứ như thế trà đã được truyền bá cùng với Đạo Phật khắp Trung Quốc và những quốc gia khác ở châu Á.

Trà ở Trung Quốc cổ đại khá khác với hiện nay. Sách Quảng Nhã (Guangya, 廣 雅 / 广 雅), một từ điển của Trung Quốc từ những năm 200 sau Công nguyên đã mô tả cách pha trà. Họ nén những lá trà khô thành bánh. Để pha trà bạn cần lấy một mẩu từ bánh trà, pha với nước nóng cùng hành, gừng, muối, vỏ cam…. Vào thời điểm này, trà không phải là thức uống để thưởng thức mà là một loại thuốc. Nó có vị đắng dùng để chữa đau bụng, thị lực kém, bệnh ngoài da và giúp tỉnh táo… Điều này cũng được Lục Vũ(陸羽,733 – 804) mô tả trong Trà kinh (茶經), cuốn sách trà đầu tiên và nổi tiếng Thế giới cho tới tận ngày nay.

Trong suốt triều đại nhà Đường (618-907), nền văn minh Trung Quốc phát triển rực rỡ chưa từng thấy. Các hình thức nghệ thuật, văn hóa phát triển mạnh mẽ và một điều tất yếu, trà cũng được quan tâm hơn bao giờ hết. Phương pháp trồng và chế biến trà được cải tiến giúp nâng cao chất lượng trà. Từ một loại thuốc giờ trà trở thành một thức uống rất phổ biến. Các nhà trà và các vườn trà “mọc lên” ở các thành phố và thị trấn trong suốt triều đại nhà Đường. Trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của cả nhà Vua lẫn người nông dân. Trà xanh vẫn là loại trà được sử dụng nhiều nhất vào thời điểm này.

Đến thế kỷ XVII, hắc trà bắt đầu phổ biến ở Trung Quốc. Các Hoàng đế Trung Quốc bắt đầu yêu cầu phải cống nộp trà. Nông dân bây giờ vừa phải trồng trà song song với việc trồng lúa vốn đã vất vả. Những người nông dân làm việc quá sức, đôi khi phải bỏ những vụ lúa. Và nạn đói đã ám ảnh những người nghèo của Trung Quốc, trong khi đó Hoàng đế thì chỉ để tâm tới việc thưởng thức những loại trà cống phẩm hảo hạng nhất. Hoàng đế trở nên giàu có nhờ việc buôn bán trà trên khắp châu Á.

Trà Mã Cổ Đạo đã kết nối các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc với Tây Tạng. Bởi khí hậu khắc nghiệt nên rau không thể phát triển được, vì vậy bữa ăn của người Tây Tạng thiếu rau. Nhưng nhờ có trà, họ có thể pha sữa, bơ bò và muối với trà để bổ sung dưỡng chất, đồng thời uống trà còn giúp giảm mỡ máu bởi chế độ ăn nhiều thịt. Đổi lại là những chú ngựa chiến dũng mãnh được mang về Trung Quốc.

Các nhà sư và thương nhân di chuyển dọc theo Con đường tơ lụa đã mang theo trà vào Trung Á và Trung Đông. Văn hóa uống trà đã lan rộng đến Miến Điện ở phía nam đến Siberia ở phía bắc, Nhật Bản và Hàn Quốc ở phía Đông, đến các thương nhân Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ và Nga ở phía Tây.

Từ Trung Quốc trà đã du nhập đến Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối thế kỷ thứ sáu, đó là công lao của các nhà sư đã từng đến Trung Quốc để tìm hiểu về Phật giáo.
Trong Thời đại Kamakura (鎌倉時代, Liêm Thương), văn hóa uống trà đã được truyền bá tới các võ sĩ đạo. Họ bắt đầu tổ chức các bữa tiệc trà, các trà quán và lan tỏa văn hóa trà trên khắp Nhật Bản.

Trong một lần Mạc Chủ Sanetomo (源 実朝, Nguyên Thực Triều) bị đau bụng, buồn nôn tưởng chết. Thiền sư Eisai (明菴榮西, Minh Am Vinh Tây) đã chữa khỏi cho ông ấy bằng một bát trà, sau đó còn tặng cho ông cuốn sách Khiết trà dưỡng sinh ký (喫荼養生記), cuốn sách do thiền sư viết về những lợi ích của trà. Từ đó Sanetono đã trở thành một người rất yêu trà và tất nhiên, với sự ảnh hưởng của “người đứng đầu” quốc gia thời đó, ông đã góp phần đưa trà trở thành thức uống “quyền lực” nhất Nhật Bản. Ban đầu các nhà sư Thiền Tông dùng trà để thực hành các nghi thức tâm linh và về sau các nghi thức này đã trở thành Trà đạo Nhật Bản, được duy trì và phát triển cho đến ngày nay.

0 Bình luận

Viết bình luận

Tin mới

Subscribe <span> weekly newsletter </span>

Đăng ký Nhận khuyến mại