Mình uống gì khi mình uống trà

  • by admin admin

Tôi không biết bà nội tôi có phải người sành trà không, nhưng chắc chắn bà là người yêu trà. Lớn lên dưới mái nhà của bà và ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, hồi nhỏ tôi từng nghĩ người lớn ai cũng phải yêu trà như vậy.

Muốn có một ấm trà ngon, người ta thường nghĩ đầu tiên cần có trà ngon. Rồi mới đến nước, cách đun nước, chọn ấm chén, pha trà…

Tôi từng nghe một nhà thơ giảng giải về nghệ thuật uống trà, anh nói người sành trà nhìn nước trà là biết trà ngon hay không, nước trà phải có sắc xanh biếc quyện với màu vàng đằm thắm óng ả… Anh biết ở Hà Nội có một nơi bán trà trước đây anh vẫn thường mua, trà pha luôn có được màu nước xanh mê hồn ấy. Tôi không lạ địa chỉ này. Hồi nhỏ, nhà hàng xóm sát vách chuyên bỏ trà buôn, một trong những khách hàng lớn nhất là địa chỉ bán trà nọ. Tôi cũng không lạ cách nhà hàng xóm “làm trà”. Cứ lên gác sân nhà tôi là có thể thấy sân sau nhà họ, nơi thỉnh thoảng trà được đem ra trộn với ve xanh, ve vàng, loại ve chuyên để pha quét vôi tường.

Sống cạnh một nhà buôn trà như thế, lẽ dễ hiểu là bà tôi thường tự tay ướp trà. Tầm 4, 5 tuổi tôi đã thường phụ chị gái tách hạt gạo của hoa sen, rồi hái ngâu, hái sói, hái nhài để bà ướp trà. Lớn hơn chút nữa, tôi được bà giao viết tên hoa ướp lên những mẩu giấy dán ngoài những lu trà chất đầy một góc gác xép. Lu trà không ướp gì thường là lu trà cao cấp nhất.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa của tôi là rửa ấm chén. Hồi đó chưa có nước rửa ấm chén, đồ nghề của tôi là xơ mướp, tro bếp, với những vết cáu cứng đầu cứng cổ thì cần thêm trợ lực của chanh hoặc dấm. Rửa sạch các vết cáu tuy khó nhưng không khó bằng việc rửa sạch mùi chanh, dấm. Thường thì trước khi tráng nước cuối, tôi hay cho chén lên mũi ngửi đi ngửi lại cho… chắc. Bà tôi rất nghiêm khắc và dữ đòn. Chỉ cần bà nhấc chén lên và nói: “Rửa ấm chén thế này thì uống trà thế nào!”, là tôi đã sợ bủn rủn chân tay.

Lớn hơn một chút, tôi được bà dạy cách pha trà. Đến giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác hơi ngộp thở mỗi sáng mời trà bà, nhìn bà nâng chén trà lên, chậm rãi nhấp ngụm đầu tiên. Nếu bà lặng im, hơi lim dim mắt như dõi về một nơi nào đó, rồi gương mặt sáng lên thư thái, và uống tiếp ngụm nữa mà không mắng mỏ gì thì có nghĩa là… “thoát”.

Ở nơi suối vàng, chắc bà tôi phiền lòng lắm khi biết cái thú uống trà của bà truyền đến tôi giờ đây đã biến tướng thành thú ngồi lê la trà xu vỉa hè, ôm những chiếc cốc thủy tinh to vật, bên trong đựng một thứ nước màu nâu vàng cẩu thả, rất xa với thứ nước trà bà dạy tôi pha năm xưa. Không những thế, gần đây các hàng trà vỉa hè chuyển sang bán trà chanh, thêm chút đường và một lát chanh để kiếm cớ nâng giá cốc trà lên gần chục lần, thì tôi cũng đổ đốn hay tặc lưỡi uống thứ trà đó. Trà loãng, cốc thủy tinh, lại còn chanh với đường! Trời ơi, hẳn bà sẽ giận uất lên được.

Nhưng có lẽ bà sẽ nguôi giận khi biết là nhờ những buổi trà xu lê la vỉa hè, vừa ôm cốc trà vừa nhẩn nha ngắm cây, ngắm phố, ngắm người xe lại qua mà tôi hiểu được một điều: Những buổi trà sáng xưa kia, không hẳn bà đã uống những tách trà tôi pha, mà là uống những khoảnh – khắc – cùng – trà.

Hồi sinh viên, đọc lại cuốn Ngàn cánh hạc của Kawabata tôi rất yêu đoạn tả cảnh uống trà trong trà thất. Người con gái Phù Tang nâng chén trà lên, thoáng dừng mắt lại ở vết men sẫm thầm kín nơi miệng tách trà, như thể một vệt son ai đó đã để lại.

Vậy mà ba năm xa Hà Nội, sống ở đất nước của Kawabata, tôi vẫn chỉ thương nhớ đến thèm khát những buổi trà xu vỉa hè. Còn trà đạo với tôi, đến giờ vẫn là môt tách trà đẹp, nhưng là tách trà đẹp của người khác.

Cách đây một năm, tôi mới tìm được cảm xúc uống – trà – của – mình” trong một lần đưa ca sĩ Giang Trang đi vãn cảnh chùa ở Kamakura… Chiều muộn, chúng tôi ngồi dưới mái hiên sau một ngôi chùa cổ, ngắm ánh nắng tan dần trong khu vườn Nhật. Khu vườn mênh mang như một buổi chiều không có kết thúc, chỉ có cỏ và đá, với một cây cầu nhỏ tượng trưng soi bóng xuống một dòng sông uốn khúc tượng trưng… Cảm giác có thể nói hết mọi điều nhưng chẳng có gì cần nói, chúng tôi ngồi tựa vách chùa ngắm thời gian trôi cho đến khi xẩm tối. Khi đó, tôi thấy mình gần kỳ lạ với bà tôi trong những buổi trà sáng, với người thiếu nữ Nhật trong tiểu thuyết của Kawabata, và với chính tôi khi chiếm một cái ghế nhựa tàu, ôm khư khư một cốc thủy tinh trà rõ to, tự biến mình thành một cái cây trên vỉa hè Hà Nội.

Vậy đấy, người ta có thể có một người ở bên trong một phút giây riêng tư chừng đó mà chẳng thấy phiền. Và có thể thưởng thức thú uống trà mà không có trà.

Tôi thường nghĩ đến kinh nghiệm này khi ai đó nói với tôi rằng họ chỉ thỏa nguyện nếu mua được một căn nhà ở quận X, một chiếc xe cáu cạnh của hãng Y, nhiều tiền như ông Z, thành đạt như chị A, hoặc được sống với chàng B, nàng C nào đó. Tôi nghĩ một người đã sẵn sàng để hạnh phúc sẽ không đùn đẩy cái trách nhiệm làm mình hạnh phúc cho người/điều gì khác.

Đôi khi tôi cũng nghĩ điều gì cần chuẩn bị đầu tiên để có được một tách trà ngon. Có lẽ việc có một cái tách sạch còn quan trọng hơn cả việc có trà ngon. Vì với một cái tách sạch, một ngụm nước trắng còn ngon hơn là trà ngon được rót vào một cái tách chưa sạch. Cũng thế, tôi tin rằng người ta sẽ rất khó cảm nhận hết được những hương vị của cuộc đời mình nếu đánh mất sự trong sáng khiêm nhường như một chiếc tách rỗng không sẵn sàng nhận vào mình mọi hương vị của từng giây phút sống…

Hà Nội, 3.2011
Da Thao Phuong

Viết bình luận

Tin mới

Subscribe <span> weekly newsletter </span>

Đăng ký nhận khuyến mại