- by John Doe
- 05/10/2023
- 175
- 0
Chè ngon, nước chát xin mời
Nước non non nước, nghĩa người chớ quên.
(Ca dao)
Một trà, một rượu, một thơ ca: Người ta đã không nhầm tí tẹo nào khi bảo tại đâu có nhâm nhi trà (chè) và rượu, ở đó tất kèm theo thơ. Ngược lại, chỗ nào có thơ, hẳn nơi ấy hiện diện chén rượu, tách trà. Một trà, một rượu, một thơ ca… Góp chuyện xuân Mậu Tuất cùng bạn đọc Đô thị & Phát triển, chúng tôi xin bình chọn chủ yếu từ các câu thơ về trà triển lãm tại “Liên hoan Trà Thái Nguyên – Việt Nam năm 2015” cùng một số tư liệu trong các bài của nhiều tác giả như Wikipedia, Đỗ Ngọc Quỹ, Huệ Minh, Thái Bá Tân, Đỗ Tiến Bảng, Vương Huy, Nguyễn Phượng…
Câu thơ đứng đầu bảng trà: “Bình minh sổ trản trà”. Nó nằm trong bài cổ tương truyền chữ Hán với 4 câu hiếm ai từng nhấp dù chỉ nửa ngụm trà lại không xổ nho chùm: “Bán dạ tam bôi tửu/ Bình minh sổ trản trà/ Nhất nhật cứ như thử/ Lương y bất đáo gia.” Nguyễn Tuân, bậc văn nhân thượng thặng về ngôn từ Việt và ẩm thực Việt, ở tùy bút “Chén trà trong sương sớm”, từng chuyển nghĩa: “Mai sớm một tuần trà/ Canh khuya dăm chén rượu/ Mỗi ngày mỗi được thế/ Thày thuốc xa nhà ta.” Khi biết khéo dùng, trà và rượu hàng ngày sẽ như hai chân giữ vững tâm thế con người sinh tồn trên thiên địa đầy bất trắc. Khác với rượu, trà được dùng bất kỳ trong ngày nhưng vào mỗi sáng sớm là tuyệt đỉnh – đó là chân lý giao lưu trà giữa khí của đất trời và thần của con người!
Trà, người bạn đường thường nhật: Không chỉ với sáng, có thể uống trà trưa, chiều, tối, đêm tại bất cứ cơ hội nào trong ngày của một người, một nhóm người thân sơ bất kể. Ở xứ Nam ta thói quen uống trà cũng như hàng ngày ăn cơm. Nguyễn Du “dùng trà” trong kiệt tác Truyện Kiều ở câu đầy xao xuyến: “Khi hương sớm khi trà trưa/ Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn.” “Thư nhàn xin lửa pha trà mới/ Vui thú bên thông ngắm chiều qua”: mới đọc qua khó đoán của Cao Bá Quát. Vị thánh của ngôi đền thi ca dân tộc hẳn đã dùng trà sớm, trà trưa mà vẫn chưa… phê. Phải thêm vài chiêu trà chiều, thậm chí lân sang trà tối, trà đêm mới “qua” hết một khoảnh “thư nhàn” trong cuộc đời oan nghiệt và lẫm liệt của mình. Trà đêm xử lý việc éo le bất ngờ, như với thi sĩ Đỗ Lỗi đời Tống: “Hàn dạ khách lai trà đương tửu/ Trực lô thang phí hỏa sơ hồng” (“Đêm lạnh khách qua trà thay rượu/ Lửa vừa mới bén nước đang sôi.”)
Trà và thiền là một: như lời cổ nhân “Trà vị thiền vị thị nhất vị”. Một trong các phương pháp thiền tông là uống trà, tức trà thiền. Trong 10 bài hát thực tập chánh niệm có thi kệ “Thiền trà” mang 4 câu “Chén trà trong hai tay/ Chánh niệm dâng tròn đầy/ Thân và tâm an trú/ Bây giờ và ở đây.” Các thiền sư Nhật đã khai sinh ra trà đạo mang bản sắc thuần Nhật. Từ tuyển chọn 800 bài haiku của thi sĩ kiệt xuất Basho chúng tôi tìm thấy có cả thảy 17 bài với trà là đối tượng chính. Ba bài hay nhất: “Uống trà sáng/ Nhà sư/ Lặng im như hoa cúc.”; “Cái vồ đập đất/ Vốn là cây hoa trà/ Hay cây mận?”; “Lều tranh đơn sơ/ Lá chè vò xong/ Giông cũng tan.”.
Trà, bàn tay bạn hữu: Khách đến mời trà là phong tục phổ biến của rất nhiều dân tộc, từ Á qua Âu. Với Trung Hoa, nơi sản sinh đầu tiên ra trà, “khách lai kính trà” là một mĩ tục đạt đến tầm nghệ thuật. Ở nước mình cũng gần vậy; “Chén trà là đầu câu chuyện”.
Thiền sư Viên Chiếu thời vua Lý Thánh Tông có hai câu thơ: “Tiễn chân ai bước đường xa/ Miệng cười đưa một bình trà tặng nhau”. Cao đẹp và tài tình quá! “Chân” và “miệng” là hai hoán dụ đối ngẫu trong câu lục câu bát. Thoắt, cả cái bình trà lại có thể nở hoa trên miệng. Miệng hoa, bởi tâm hoa. Thi bá thời nay với Bàn Thành Tứ Hữu lừng danh một thuở là Quách Tấn đã hạ những câu trở thành kinh điển: “Hương trà chưa cạn chén hàn ôn/ Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn/ Ngắm vợi mây thu ùn mặt biển/ Gác chuông thành cổ đọng hoàng hôn”. Đủ thấy trà là nhân vật lớn trong cuộc chia ly bằng hữu trước trời thu biển rộng thành sâu. “Chén hàn ôn” là cụm từ mà đám tuổi teen thời a-còng kêu là “ngồi cà-phê tám chuyện thời tiết”.
“Nhà lá đơn sơ/ Tấm lòng rộng mở/ Nồi cơm nấu dở/ Bát nước chè xanh/ Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau.” Hoàng Trung Thông, nhà thơ đại biểu thời cách mạng, vốn tinh thông văn hóa truyền thống Hán-Việt, đã lưu được “bát nước chè xanh” vào kho tàng văn học kháng chiến bằng hình ảnh và bút pháp dung dị nhất.
Trà và thi sĩ, văn nhân: Trong trà có chất thơ, có người thơ. Kể về việc thơ những khi dùng trà là điều dễ dàng với thi sĩ. Ông tổ Đông y Việt Nam, nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có những vần thơ tâm đắc về trà: “Trà biết thi hoa thiểu/ Cầm dư khách tứ đa. (Hết trà, thơ nghĩ không ra/ Buông đàn nỗi khách lại là chứa chan.”) Thưởng trà ít cũng mươi phút, nhiều là già buổi. Mà thơ chưa chịu về cho. Hơn hai thế kỷ sau, có hậu sinh tài năng là Yến Lan trong bài tứ tuyệt đã nảy tứ thơ tương tự: “Chè đọt đang kỳ điểm lá ba/ Giọt sương lách tách cửa song nhòa/ Thơ ngồi suốt buổi không ra tứ/ Cháu đã đun tràn ấm nước pha.” Trà ngoài vườn thúc dục, trà trong ấm vẫy gọi; thi cảnh bên hiên ám ảnh, đứa cháu ngoan hầu quanh. Sướng bằng giời, thi sĩ vẫn bất lực trước Nàng thơ đỏng đảnh. Âu cũng chuyện thường tình mà trà rất thấu.
Với văn nhân văn hóa thế giới, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: “Say mùi đạo, chè ba chén/ Tả lòng phiền, thơ bốn câu.” Lời tiên tri: “lòng phiền” của thi nhân mà “chè ba chén” thấu hiểu mãi nhiều thập niên sau mới hiển lộ và nhiều thế kỷ sau chưa hiểu thấu. Với “Quốc âm thi tập”, người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam đã nhiều dịp đưa trà vào thơ như đối tượng thiền vị, nói lên tư tưởng nhân sinh hài hòa tam giáo Nho, Phật và Đạo: “Chè mai đêm nguyệt dậy xem bóng/ Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu.”; “Bao giờ lều cỏ núi mây/ Pha trà nước suối, gối say đá mềm.”…
Trà – ca dao: Là đặc sản văn hóa Việt, ca dao đã “uống trà” thế nào? Chúng tôi thống kê, từ một bộ sưu tập “Ca dao Việt Nam” với hơn 650 cặp lục bát, tìm ra được 5 câu về trà: 1. “Đi đâu mà bỏ mẹ già/ Gối nghiêng ai sửa, tách trà ai dâng.”; 2. “Người ta rượu sớm trà trưa/ Thân em đi sớm về trưa cả đời.”; 3. “Chú tôi hay tửu hay tăm/ Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.”; 4. “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ nồi cơm nguội, nhớ riêu nước chè.”; 5. “Ai về Hà Tĩnh thì về/ Mặc lụa chợ Hạ, uống chè hương sen.” Thân thương là câu số 1. Tội nghiệp ở câu 2. Đáng trách với câu 3. Buồn buồn sao câu 4. Vui vui nhỉ câu 5. Ấy thế, theo hiểu biết chưa đầy đủ của chúng tôi, câu ca dao về trà tuyệt hơn cả được chọn làm đề từ cho toàn bài này lại không có trong tuyển chọn ấy. Nếu có ta sẽ nói: Cao cả như câu 6.
Trà – trường ca: Năm 2011 nhà thơ Phạm Văn Sau cho ra tập sách “Lục bát Trà” gồm 4889 câu thơ theo thể lục bát. Lần đầu tiên có một công trình tìm hiểu về trà bằng thơ Việt, và cũng lần đầu tiên hình thức thơ trường ca Việt có một tác phẩm lấy trà làm đối tượng văn học. Có thể còn là lần đầu tiên trên thế giới? Với những câu khai mở: “Thú đời lẫn lộn sạch nhơ/ Chén trà tinh khiết thỏa mơ thú nhàn”, đến các thao tác pha trà: “Ngón hoa nâng ấm xoay nghiêng/ Đường cong hư huyễn phong duyên kín vào/ Nghe từng cánh nở xôn xao/ Phút giây giao hội ngạt ngào tỏa hương”, qua 6 chương chỉn chu mang từng chủ đề như một khảo cứu khoa học, Phạm Văn Sau đã lôi cuốn và mượt mà kể mọi thứ về trà bằng thơ: từ lịch sử nguồn gốc phát sinh, phát triển đến các giai thoại, điển tích, những nhân vật nổi tiếng. Tư tưởng và cấu tứ luận đề của “Lục bát trà” là cách thưởng ngoạn trà theo tinh thần Việt. Việt trong từng câu chữ ý lời. Tất cả gói ghém trong tấm áo chữ nghĩa Việt: thơ lục bát.
Câu thơ về trà thích nhất của người viết: Với quan niệm thơ hay ở chỗ tạo ám ảnh thì “Quất mãi nước sôi/ Trà đau nát bã/ Không đổi giọng Tân Cương” là câu thơ chúng tôi thích nhất về trà. Đã có tới hàng trăm lời khen tụng, cả tá bài, đoạn bình ba dòng thơ trên của người thơ “tài cao phận thấp chí khí uất” Phùng Cung. Ngắn, nhưng đó là cả một bài thơ. Cả thảy 14 chữ, tính cả tên bài: “Trà”. Tân Cương trong thơ họ Phùng là khu vực Tân Cương thuộc tỉnh Thái Nguyên – được xem như thủ phủ trà Việt Nam. Chè Thái Nguyên có nguồn gốc từ Phú Thọ được di thực trong các năm đầu thập niên 1920. Và trong thập niên vừa qua, trà Tân Cương đã trở thành thương hiệu trà toàn cầu với Festival Trà Thái Nguyên lần 3 vào năm 2015. Ở nơi suối vàng thi nhân của chúng ta cũng cả cười khi dự phóng trước mấy thập niên về một “giọng-Tân-Cương” giữa văn đàn nước nhà.
Thu chén trà nồng: Trà nồng cũng đến hồi thu chén. Thì đấy, “nhất phiến tài tình” Nguyễn Tuân chẳng từng có lời tại tuyệt bút nêu trên đó sao, “trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy một chút mùi thơ và một tị triết lý và tâm lý.” Trà ngấm vào thơ, thơ đậm trong trà… Mời bạn nâng chén!
Đỗ Quyên
Vancouver – Xuân Mậu Tuất 2018
ĐTPT số 71-72/2018
0 Bình luận