- by John Doe
- 05/10/2023
- 34
- 0
Tiệm trà của Shigehiko Suzuki ở miền trung Nhật Bản đông khách, nhưng chủ yếu phục vụ bánh ngọt hoặc kem matcha hơn là trà truyền thống.
Năm 1998, công ty Marushichi Seicha của Suzuki bắt đầu sản xuất trà xanh dạng bột (matcha) từ lá chè matcha. Ngày nay, công ty xuất khẩu hơn 30 tấn matcha sang Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á và Trung Đông.
“Nhu cầu matcha đang tăng nhanh trên thế giới. Họ sử dụng nó để làm kem, món tráng miệng và cà phê”, Suzuki nói, ngồi trong cửa hàng ở Fujieda, cách Tokyo 170 km về phía tây nam.
Năm ngoái, Nhật Bản xuất khẩu hơn 5.000 tấn matcha, chủ yếu sang Mỹ, gấp 10 lần so với hai thập kỷ trước. Nhưng tại Nhật, lượng tiêu thụ trà xanh giảm từ gần 1,2 kg mỗi hộ gia đình năm 2001 xuống hơn 8 lạng năm 2015, theo dữ liệu của chính phủ. Suzuki cho rằng nguyên nhân do người Nhật ngày càng ưa chuộng chế độ ăn uống kiểu phương Tây.
“Số người Nhật uống trà giảm, trong khi ngày càng nhiều người thích những hương vị thực phẩm khác lạ, vì vậy trà không bán chạy như trước”, người đàn ông 55 tuổi cho hay.
Người Nhật thường uống trà sau bữa cơm, nhưng ngày càng ít người làm vậy vì chế độ ăn ít gạo hơn. Nhạy cảm với sự thay đổi này, 9 năm trước, Suzuki đã sáng tạo món kem matcha và mở một cửa hàng, nơi khách có thể lựa chọn vị đắng theo 7 cấp độ. Cửa hàng rất thành công, ông mở thêm hai tiệm nữa ở Tokyo và một tiệm ở Kyoto, quê hương của matcha.
Những người trồng chè như Yoshio Shoji, 67 tuổi, cũng đang thay đổi và chuyển sang trồng chè matcha bởi chúng được giá hơn “sencha”, loại chè được sao khô để pha làm thức uống truyền thống của Nhật Bản. Lá chè matcha có giá trung bình 3.100 yên (30 USD) một kg, cao hơn nhiều so với giá 1.400 yên/kg của sencha, theo Hiệp hội Sản xuất Chè Nhật Bản.
Shoji cho hay diện tích trồng chè còn đang thu hẹp bởi nông dân ngày càng lớn tuổi, không đủ sức lao động chân tay. “Người già nhất đã ngoài 80 tuổi. Có rất ít người trẻ theo nghề”, ông vừa nói vừa nhìn ra những đồi chè trên sườn núi ở Fujieda, tỉnh Shizuoka. “Giá chè đang giảm, công việc thì cực nhọc”.
Chè du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 9 và khi đó được coi là một loại dược liệu. Trà xanh bắt đầu phổ biến vào thế kỷ thứ 16 ở Kyoto, khi Sen no Rikyu, bậc thầy trà đạo sáng lập nên nghi thức dùng trà truyền thống “chanoyu”.
Hai thế kỷ sau, sencha bắt đầu phát triển và phương thức sản xuất loại trà này nhanh chóng lan truyền rộng rãi. Hiện sencha chiếm một nửa trong số 80.242 tấn trà xanh sản xuất hàng năm tại Nhật Bản, còn lá matcha chỉ chiếm 3,3% dù sản lượng đang tăng lên.
Suzuki cho rằng ngành công nghiệp sản xuất chè của Nhật Bản gặp khó khăn bởi nó được coi là biểu tượng cho thế hệ cũ.
“Giờ chủ yếu là những người ngoài 60 tuổi uống trà. Thanh niên bây giờ thích uống cà phê hơn. Trà không còn hấp dẫn với khách hàng nữa nên chúng tôi ưu tiên tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm”, ông nói.
Một số tiệm trà đang cố hiện đại hóa món đồ uống truyền thống này nhằm thu hút thanh niên. Tiệm trà Tokyo Saryo nằm trong một khu phố yên tĩnh mang đậm không gian thiền với gam màu trắng chủ đạo. Ở đó, chuyên gia pha chế Yuka Ihara đang pha món trà Nhật trong cốc thủy tinh đặc biệt.
“Đó là sự giao thoa giữa văn hóa trà đạo và trà đóng chai, giống như cà phê, nơi khách hàng có thể thưởng thức trà trong không khí thoải mái, điều mà trước đây không có”, Ihara nói. “Điều quan trọng là sáng tạo ra cách trình bày và dùng trà mới, cũng như công thức mới để mọi người khám phá lại giá trị của trà truyền thống Nhật Bản”.
Mikito Tanimoto, giám đốc sáng tạo kiêm người sáng lập Tokyo Saryo năm 2017, cho hay trà truyền thống Nhật đang bị coi là “không hợp mốt” nhưng ông tin rằng “chúng tôi sẽ làm nó thời thượng hơn”.
Bất chấp những nỗ lực đổi mới, nhiều người vẫn cho rằng sự suy thoái của trà truyền thống Nhật là không thể tránh khỏi.
“Người Nhật quảng bá văn hóa kimono và trà đạo ra nước ngoài, nhưng nông dân trồng chè trong nước lại đang than khóc vì không thể sống nổi với nghề”, Stephane Danton, chủ một tiệm trà Nhật ở Tokyo, nói.
Dù đạt được một số thành công trong việc mở rộng thị trường matcha, Suzuki vẫn nghi ngờ về khả năng cứu vãn ngành công nghiệp trà xanh Nhật Bản trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt.
“Vì matcha rất phổ biến trên thế giới, giờ nó được sản xuất khắp nơi. Nhật Bản không còn là quốc gia duy nhất sản xuất matcha. Chúng tôi phải đối mặt với cạnh tranh toàn cầu”, ông nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)